Ngôi nhà cổ này được xây dựng từ năm 1810, là của ông Phạm Ngọc Tùng đời thứ 7 dòng họ Phạm. Theo lời kể của ông Tùng, khi xây dựng ngôi nhà này, cụ Tổ ông làm chức quan hàng Bát phẩm của triều đình nhà Nguyễn. Cụ cho mời những thợ giỏi nhất của tỉnh Nam Hà cũ (nay thuộc tỉnh Hà Nam) và thợ làng mộc Đạt Tài (nay thuộc xã Hoằng Đạt - Hoằng Hóa - Thanh Hóa) về làm ngôi nhà này.
Nhà rộng 9,8m, dài 21,5m, cao 5m gồm 7 gian: 3 gian chính và 4 gian phụ, 3 gian giữa là khu thờ và sinh hoạt chung.
Hầu hết khung nhà, cột, chèo, cửa... đều được làm bằng những loại gỗ quý, trong đó gỗ xoan được sử dụng nhiều nhất bởi có đặc tính nhẹ, ít mối mọt. Mỗi họa tiết hoa văn, hình điêu khắc trên các vì kèo đều có ý nghĩa riêng của nó và không trùng lặp mà luôn đối hướng, đối xứng.
Nhà có 3 cửa chính với 12 cánh. Qua 2 thế kỷ, các cánh cửa vẫn vô cùng rắn chắc. Cửa bức bàn nhiều cánh, có tác dụng điều hòa mở rộng hay đóng hẹp để lấy gió mát hay ánh sáng vào nhà.
Cột nhà được làm bằng những loại gỗ quý, chịu lực như gỗ táu, sến, lát...
Trong ngôi nhà ông Tùng còn lưu giữ 8 bức câu đối viết bằng chữ Hán Nôm có in ấn tín của nhà vua. Đây cũng là một phần tạo nên sự cổ kính và thâm nghiêm của ngôi nhà.
Vì là nhà từ đường (nhà thờ họ) nên trong nhà có nhiều đồ thờ hình long, ly, quy, phượng chạm khắc cầu kỳ và các bức hoành phi, câu đối cổ vẫn còn nguyên vẹn.
Kệ bàn thờ cổ.
Hoa văn trang trí gồm tứ linh là long, ly, quy, phượng và tứ quý gồm tùng, trúc, cúc, mai. Trong nghệ thuật kiến trúc dân gian điều này hàm ý sự hòa hợp giữa đất, trời, sự trường thọ bền vững, cao sang và an lạc.
Cũng bởi đặc thù thường gặp biến động nên người Việt đã liên kết các chi tiết trong nhà bằng mộng, mẹo. Khi gặp biến cố, có thể dỡ bỏ phần khung và sau đó lại phục dựng như cũ.
Trải qua bao mưa nắng và những bước thăng trầm của lịch sử, đến nay ngôi nhà vẫn bảo tồn hầu như nguyên vẹn những nét tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc dân gian Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét