Nửa đầu năm 2015, thị trường lớn nhất là khách nói tiếng Trung vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khách Trung Quốc giảm gần 30% do phía bạn vẫn chưa gỡ bỏ một số rào cản với du lịch Việt Nam. Thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất 2 năm trở lại đây là khách Nga cũng trên đà đi xuống do nước này đang vật lộn với khó khăn lớn về kinh tế, chính trị.
Ngoài ra, một số thị trường khác có số lượng khách giảm gồm Thái Lan, Malaysia, Australia, New Zealand, Pháp, Anh, Canada.
Lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhận định tình hình khách đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015 giảm, và ngành du lịch đang phải đối mặt với thách thức kép. Ảnh:danangexplorer
Thêm vào đó, tình hình dịch MERS tại các thị trường outbound (đưa khách ra nước ngoài) trọng điểm của Việt Nam như Thái Lan, Hàn Quốc khiến nhiều doanh nghiệp phải hủy các đoàn đã đăng ký tour và không dám nhận khách mới. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc ghi nhận được khoảng 7.000 du khách hủy tour do lo ngại lây nhiễm, khiến nước này phải đưa nhiều hành động đối phó. Một trong số đó là việc áp dụng mức bồi thường cho du khách nhiễm MERS khi đến đây là gần 5.000 USD.
Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định: "Thời điểm này tiếp tục là giai đoạn thách thức và ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn kép".
Lãnh đạo Tổng cục cho rằng trước mắt điều quan trọng quyết định tới sự phục hồi của lượng khách quốc tế đến là việc Trung Quốc có tháo dỡ những hạn chế với du lịch Việt Nam hay không, kinh tế Nga có kịp phục hồi vào cuối năm và tình hình dịch bệnh liệu có biến chuyển tích cực.
Mới đây, chính phủ đã miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và trước đó là Belarus khi nhập cảnh Việt Nam. Ngành du lịch coi đây là động lực quan trọng hứa hẹn triển vọng hút khách du lịch đến Việt Nam trong thời gian tới.
Ông Tuấn đánh giá visa thông thoáng sẽ là cú hích hút khách châu Âu, những người chưa tới Việt Nam bao giờ và là sự khuyến khích những người từng đến đây quay trở lại. Châu Âu vốn là thị trường truyền thống, lượng khách đến Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng ổn định (tuy không cao) trong thời gian qua. "Chúng ta sẽ tận dụng được lượng khách không nhỏ tranh thủ đi du lịch Đông Nam Á đến Việt Nam”, ông Tuấn cho hay.
Cũng theo ông, cần có thời gian để tuyên truyền chính sách mới tới khách hàng, đối tác. Khách châu Âu không đi du lịch ngẫu hứng mà theo lịch nghỉ đông, giáng sinh. Thêm nữa, hè của Việt Nam là mùa thấp điểm du lịch quốc tế. Cao điểm khách châu Âu và quốc tế phải vào mùa đông và xuân. Do đó, kết quả từ hiệu ứng tích cực của chính sách này phải đến cuối năm nay, đầu năm sau mới thấy được.
"Chúng ta không nên kỳ vọng một sự bùng nổ hay tăng vọt khách châu Âu như các thị trường mới. Song đây cũng là một điểm sáng trong bối cảnh du lịch Việt Nam đụng đâu cũng thấy khó", ông Tuấn nói.
Tú Quyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét